Xương chắc khỏe rất quan trọng đối với một tư thế tốt. Để có được xương và răng chắc khỏe không phải là điều quá phức tạp, nếu bạn áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung đủ vitamin vào các bữa ăn hàng ngày.
Dưới đây là một số loại vitamin có thể đảm bảo xương và răng chắc khỏe:
1. Vitamin A
Vitamin A rất quan trọng để duy trì sức khỏe răng miệng, giúp hình thành keratin, một loại protein quan trọng tạo nên men răng. Răng hoặc nướu nhạy cảm có thể là do thiếu hụt vitamin A – dấu hiệu cho thấy bạn cần tăng lượng chất dinh dưỡng này. Vitamin A cũng quan trọng đối với mô nướu khỏe mạnh.
Việc bổ sung không đủ lượng vitamin A, có thể dẫn đến nướu bị viêm, kích ứng hoặc sưng… thậm chí dẫn đến chảy máu nướu khi đánh răng hoặc khi dùng chỉ nha khoa.
Các thực phẩm giàu vitamin A trong chế độ ăn uống:
– Cà rốt: Có nhiều vào mùa đông, cà rốt có thể ăn sống hoặc nấu chín (thêm vào nhiều món ăn ngọt và mặn như salad, cà ri hoặc bánh pudding).
– Khoai lang: Đây là một nguồn cung cấp vitamin A dồi dào. Khoai lang có thể luộc, nướng, hoặc xào…
– Cải xoăn: Loại rau lá xanh này có thể được ví như là kho chứa vitamin A và nhiều loại vi chất dinh dưỡng, có thể được thêm vào salad hoặc cà ri, súp…
– Dưa hấu: Ngoài vitamin A, dưa hấu còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng khác cho cơ thể. Dưa hấu ngon nhất khi ăn nguyên quả, nhưng bạn cũng có thể uống nước ép, thêm vào salad hoặc làm đồ ăn đông lạnh.
2. Vitamin D
Vitamin D được coi là quan trọng đối với sức khỏe răng, vì giúp hấp thụ canxi, tăng cường sức khỏe xương. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients, vitamin D đóng vai trò quan trọng trong quá trình khoáng hóa xương, răng. Khi nồng độ vitamin D thấp, có thể dẫn đến tình trạng răng rất dễ bị gãy và bị sâu.
Thực phẩm giàu vitamin D trong chế độ ăn uống:
– Cá nhiều dầu: Một trong những nguồn cung cấp vitamin D dồi dào nhất là cá nhiều dầu như cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu… Những loại cá này có thể được thêm vào chế độ ăn hàng ngày để tăng lượng vitamin D cho cơ thể, giúp cải thiện đáng kể sức khỏe răng miệng.
– Lòng đỏ trứng: Một nguồn cung cấp vitamin D tuyệt vời đó là lòng đỏ trứng, có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Luộc, rán… cung cấp các loại vitamin như A, D, E và choline…
– Thực phẩm tăng cường: Nhiều loại thực phẩm được tăng cường vitamin D như ngũ cốc, nước cam, sữa tăng cường và pho mát có thể được thêm vào chế độ ăn.
3. Vitamin C
Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe răng miệng cũng như nướu răng khỏe mạnh. Theo một nghiên cứu được công bố trên Frontiers in Nutrition, vitamin C góp phần vào quá trình tổng hợp collagen – một loại protein quan trọng giúp cung cấp cấu trúc, hỗ trợ và duy trì răng.
Vitamin C cũng làm giảm nguy cơ phát triển sâu răng thứ phát ở trẻ em, giúp duy trì các mô liên kết trong nướu răng khỏe mạnh, chắc khỏe, có thể ngăn ngừa chảy máu nướu răng và bệnh tật liên quan.
Thực phẩm giàu vitamin C:
– Ớt chuông: Loại thực phẩm này rất giàu vitamin C. Ớt chuông có thể ăn sống, trộn salad, xào, nướng… tùy theo sở thích của bạn.
– Cam: Đây là loại quả siêu giàu vitamin C và ngon nhất khi ăn nguyên quả. Cam cũng có thể được thêm vào salad trái cây hoặc tiêu thụ dưới dạng nước ép, món tráng miệng. Tuy nhiên, ăn nhiều ngọt có thể gây hại cho răng của bạn.
– Dâu tây: Dâu tây rất tốt cho sức khỏe răng miệng và không nên thêm đường trong công thức pha chế. Bạn có thể ăn chúng như một loại trái cây nguyên quả, thêm chúng vào sinh tố…
4. Vitamin K
Vitamin K1 và K2, cả hai đều đóng góp đáng kể vào sức khỏe răng miệng. Vitamin K1 có trong rau lá xanh, trong khi vitamin K2 (được chia thành các nhóm nhỏ hơn như MK4 và MK13) chủ yếu có trong các sản phẩm từ sữa, thịt lợn, gia cầm. thực phẩm lên men.
Vitamin K giúp các protein hoạt động điều chỉnh quá trình khoáng hóa xương, hỗ trợ quá trình phát triển, phục hồi răng và xương. Khi nói đến sức khỏe xương bao gồm sức khỏe răng miệng, vitamin K2 là thành phần không thể thiếu.
Thực phẩm giàu vitamin K:
– Súp lơ xanh (chứa vitamin K1): Rau lá xanh rất giàu vitamin K và súp lơ xanh cũng không ngoại lệ. Có thể thêm loại thực phẩm này vào súp, salad hoặc xào.
– Củ cải (vitamin K1): Củ cải rất giàu vitamin K1 và tùy theo sở thích khẩu vị, bạn có thể ăn sống hoặc nấu chín, nướng hoặc phết bơ để có món ăn ngon.
– Các sản phẩm từ sữa (vitamin K2): Các sản phẩm từ sữa như sữa, pho mát, sữa chua, đều giúp bạn tăng lượng vitamin K2 hấp thụ, để cải thiện sức khỏe răng miệng.
5. Vitamin B12
Vitamin B12 là một chất dinh dưỡng quan trọng để có hàm răng chắc khỏe, giúp cơ thể hấp thụ canxi, một khoáng chất thiết yếu cho răng, xương. Thiếu vitamin B12 có thể gây mất răng do làm xương và nướu yếu.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nha khoa Nhi khoa Lâm sàng Quốc tế, thiếu vitamin B12 có thể làm tăng tỷ lệ sâu răng, mắc các bệnh về nướu ở trẻ em.
Các bổ sung vitamin B12 trong chế độ ăn uống:
– Trứng: Ăn trứng luộc vào bữa sáng có thể giúp cải thiện mức vitamin B12 của cơ thể (lòng đỏ trứng có mức vitamin B12 cao hơn lòng trắng trứng).
– Sữa chua Hy Lạp: Các sản phẩm từ sữa như sữa chua có khả năng hấp thụ vitamin B12 cao nhất. Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một hộp sữa chua Hy Lạp 156 gram, cung cấp khoảng 45% nhu cầu B12 hàng ngày.