Bàn chải đánh răng là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Tuy rằng nhỏ bé, nhưng cách sử dụng nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn.
Đánh răng là việc làm thường xuyên hàng ngày nên nhiều người nghĩ nó rất đơn giản. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách thực hiện và tạo thói quen chăm sóc răng miệng hàng ngày.
Theo 1 nghiên cứu của Đại học Manchester (Anh), trung bình 1 chiếc bàn chải đánh răng có chứa khoảng 10 triệu vi khuẩn, bao gồm cả tụ cầu khuẩn và E.coli. Hơn nữa, tại bất cứ thời điểm nào, có khoảng 100 – 200 loại vi khuẩn sinh sống trong miệng chúng ta.
Các nha sĩ cảnh báo rằng, có rất nhiều thói quen tưởng chừng vô hại nhưng thực chất đang khiến chiếc bàn chải đánh răng trở thành ổ vi khuẩn gây bệnh hoặc con đường lây nhiễm bệnh tật đáng sợ. Trong đó phổ biến nhất là:
1. Đặt bàn chải trong nhà vệ sinh
Vệ sinh răng miệng là rất quan trọng. Hầu hết chúng ta đều đặt bàn chải trong phòng tắm, nhưng lại quên 1 điều rằng đa số các phòng tắm đều gắn liền với nhà vệ sinh và khu vực bồn rửa mặt.
Trong các trường hợp này, bạn cần phải để bàn chải và cốc đánh răng tại không gian khác, hoặc đặt trong ngăn tủ kín để đảm bảo chúng không bị nhiễm vi khuẩn. Đặc biệt là nếu đặt bàn chải gần khu vực bồn cầu, rất nhiều vi trùng, vi khuẩn có thể bay trong không khí và bám vào nó khi bạn xả nước khi đi vệ sinh.
2. Để chung bàn chải của nhiều người với nhau
Đặt tất cả bàn chải đánh răng của mọi người trong gia đình trong cùng 1 vật chứa sẽ khiến các lông bàn chải tiếp xúc với nhau, tăng khả năng lây nhiễm vi khuẩn, nhất là khi chúng còn ướt.
Đáng sợ hơn là nếu 1 trong số đó có người mắc bệnh truyền nhiễm, tất cả những người còn lại cũng phải chịu chung số phận.
3. Đựng bàn chải trong hộp nhựa
Nhiều người cho rằng, việc bảo quản bàn chải đánh răng trong hộp nhựa có thể ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn. Tuy nhiên, đó lại là 1 trong những cách bảo quản bàn chải nguy hiểm nhất.
Môi trường yếm khí trong hộp nhựa là điều kiện để các vi khuẩn phát triển mạnh. Cách tốt nhất để giữ bàn chải sạch sẽ là đặt trong một hộp kín bằng kính hoặc một cốc thủy tinh. Điều quan trọng nhất là phần đầu bàn chải phải được làm khô và che phủ kín.
4. Không vệ sinh dụng cụ đựng bàn chải
Không chỉ cốc hay hộp đựng, ngay cả kệ đặt dụng cụ chứa bàn chải nếu không được vệ sinh kịp thời sẽ tích tụ bụi bẩn, sẽ trở thành nơi sinh sôi của vi khuẩn.
Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên vệ sinh dụng cụ và ngăn đựng hoặc kệ đặt dụng cụ đựng bàn chải ít nhất 1 lần mỗi tuần.
5. Dùng chung bàn chải với người khác
Dùng chung bàn chải không chỉ mất vệ sinh mà còn làm phát tán, lây chéo các loại vi khuẩn, bệnh tật.
Chưa kể, khi đánh răng, bạn có thể làm tổn thương nướu và việc nhiễm khuẩn lạ hay lây truyền những loại virus nguy hiểm từ người khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Bài học rút ra là tuyệt đối không dùng chung bàn chải đánh răng với người khác, dù là người trong gia đình.
6. Không làm sạch bàn chải sau khi đánh răng
Khi đánh răng, lượng thức ăn thừa sẽ bám vào bàn chải, nếu không làm sạch thì vô tình bạn đang tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Điều đó đồng nghĩa với lượng vi khuẩn này sẽ tiếp tục sinh sôi và hoạt động mạnh khi bạn tiếp tục sử dụng bàn chải cho những lần tiếp theo.
Khi đó, dùng bàn chải không những không làm sạch được răng miệng mà còn gây nên nhiều bệnh nguy hiểm cho cơ thể. Vì vậy, khi đánh răng xong, hãy đặt bàn chải dưới vòi nước và xả thật mạnh để lượng thức ăn thừa bị cuốn trôi hoàn toàn.
Ngoài ra, việc dùng bàn chải quá lâu mà không thay cũng là 1 thói quen xấu, gây hại cho sức khỏe răng miệng cũng như khiến vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn. Các nha sĩ chỉ ra 3 dấu hiệu đã đến lúc thay bàn chải bao gồm:
– Lông bàn chải xù hoặc bị cứng.
– Lông chải thưa, bị đứt gãy nhiều hoặc biến dạng, đổ sang 2 bên.
– Phần thân sát đầu chứa lông chải bị ố, sậm màu hoặc có vết bẩn rửa không sạch.
Cũng cần lưu ý rằng, dù không có các dấu hiệu trên, bạn vẫn nên thay bàn chải đánh răng 3 tháng 1 lần để đảm bảo sức khỏe răng miệng.