Mô nha chu là tập hợp những cấu trúc bao quanh răng bao gồm có 4 loại mô chủ yếu: nướu, xương ổ răng, dây chằng nha chu và xê măng gốc răng.
1. NƯỚU RĂNG
1.1 Định nghĩa:
– Là phần của niêm mạc miệng, còn gọi là niêm mạc nhai, nước bao bọc quanh xương ổ răng và răng, ôm sát cổ răng và trải dài từ cổ răng đến lằn tiếp hợp nướu niêm mạc di động (đáy hành lang miệng).
1.2. Đại thể:
– Nướu được chia làm 2 phần: Nướu rời và nướu dính
1.2.1. Nướu rời (nướu tự do)
Là phần nướu viền bao quanh cổ răng như một chiếc nhẫn không dính vào răng. Nướu rời được giới hạn với nướu dính bởi 1 rãnh nhỏ gọi là “rãnh nướu rời”. Nướu rời rộng khoảng 1mm và làm thành vách mềm của khe nướu. Sở dĩ gọi là nướu rời hay nướu tự do là vì người ta có thể dùng cây thăm dò nha chu tách nướu rời ra khỏi mặt răng.
1.2.2. Nướu dính
Là phần kế tiếp nướu rời, chạy từ rãnh nướu rời đến lằn tiếp hợp nướu niêm mạc di động. Màu của nướu dính là màu hồng,bề mặt có lấm tấm da cam. Chiều cao của nướu dính thay đổi tuỳ từng răng và tuỳ từng cá thể. Có sự thay đổi rõ rệt từ răng sữa đến răng vĩnh viễn và đối xứng hai bên phần hàm. Cao nhất là vùng răng cửa trên, răng số 6 hàm dưới (ở mặt lưỡi) khoảng 6mm, thấp nhất là mặt ngoài răng 8 trên cao khoảng 0,5mm. Ở vùng khẩu cái không có ranh giới giữa nướu dính và niêm mạc khẩu cái. Nướu dính được cột chặt vào xương ổ bởi một hệ thống dày đặc các bó sợi collagen. Lớp biểu mô của nướu dính là sự kéo dài của lớp biểu mô niêm mạc miệng. Lớp biểu mô ở nướu dính dày hơn, được sừng hoá ở bề mặt, bên trong có những lồi lõm tương ứng với những gai của mô liên kết.
1.2.3. Khe nướu:
Là 1 rãnh nhỏ hẹp hình chữ V. Là nơi tiếp xúc giữa nướu rời và mặt răng. Khe nướu cũng bao quanh răng như nướu rời. Độ sâu của khe nướu bình thường là 2 – 3mm, gần đây cách đánh giá trong điều tra dịch tễ học theo hệ thống CPITN (của WHO), hệ thống PSR (Mỹ), hoặc hệ thống BPE (Anh), thì khe nướu bình thường vào khoảng từ 0 – 3,5mm.Trong những điều kiện lý tưởng thì không có khe nướu hoặc độ sâu của khe nướu là 0mm. Trên lâm sàng độ sâu của khe nướu là 1 thông số quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh nha chu. Khe nướu gồm 2 vách: Vách cứng là bề mặt gốc răng, vách mềm là vách nướu rời. Đáy của khe nướu là nơi bám của biểu mô bám dính. Trong khe nướu thường tiết ra 1 chất dịch để sát trùng và rửa sạch khe nướu.
1.2.4. Biểu mô bám dính
+ Là lớp biểu mô dính vào bề mặt men răng theo một dải đi từ đáy khe nướu đến lằn tiếp hợp men – xê măng, bề rộng của dải biểu mô này khoảng 2,5mm
+ Lớp biểu mô bám dính vừa mỏng lại không được sừng hoá ở bề mặt, nên độc tố vi khuẩn dễ xuyên qua thâm nhập vào mô liên kết của nướu gây nên viêm nướu. Chính vì vậy biểu mô bám dính và khe nướu giữ 1 vị trí quan trọng đặc biệt trong sinh bệnh học của bệnh nha chu. Bệnh nha chu cũng xuất phát từ đó và việc phòng bệnh nha chu cuối cùng phải giải quyết sự toàn vẹn cho biểu mô bám dính và sự lành mạnh của khe nướu.
1.2.5. Gai nướu (nướu kẽ răng)
Là phần nướu giữa 2 răng kế cận có hình tháp. Gai nướu gồm 2 phần:
Nướu rời
Nướu dính.
Hình dáng kích thước cấu trúc của gai nướu tuỳ thuộc tương quan tiếp xúc giữa hai răng và độ rộng của khoảng tiếp cận.
Mô nha chu bình thường đỉnh gai là phần cao nhất về phía mặt nhai. Ở răng trước gai nướu có dạng hình tháp. ở răng sau gai nướu tròn hơn và thường có dạng hình yên ngựa, có hai đỉnh, đỉnh ngoài và trong. Gai nướu quá to hoặc không có gai nướu làm mất thẩm mỹ, đồng thời gây ứ đọng thức ăn, tạo nên những hốc hố ở kẽ răng làm bệnh nha chu phát triển.
1.3. Vi thể
Biểu mô nướu gồm 4 tầng tế bào từ trong ra ngoài.
– Tầng đáy: Tế bào ở tầng đáy có dạng nhỏ hình khối nhiều mặt, tiếp xúc trực tiếp với màng đáy.
– Tầng gai: 1 hệ thống tế bào đa giác.
– Tầng hạt: Có chứa các hạt Kératohyalin, là chất góp phần tạo ra Kératin sau này.
– Tầng sừng: Là những tế bào không còn nhân, dẹp và dày ở màng tế bào.
Những tế bào của biểu mô nướu được thay thế khoảng từ 1 đến 2 tuần. Biểu mô bám dính được thay thế nhanh hơn, biểu mô ở niêm mạc miệng lâu hơn khoảng 2 tuần,… Sự phân baò xảy ra ở tầng đáy, trong lúc ấy tế bào ở bề mặt của nướu tróc ra trong môi trường miệng.
1.4. Chức năng sinh lý
* Cơ chế bảo v ệcủa nướu
– Trên bề mặt nướu luôn có nhiều vi khuẩn che phủ, việc loại trừ vi khuẩn là tróc lớp biểu mô và vi khuẩn cũng bị tróc theo.
– Bề mặt sừng hoá của biểu mô nướu có tác dụng bảo vệ khi nướu chịu tác động của lực nhai và lực chải răng.
– Biểu mô khe nướu: không được sừng hoá cho nên dễ bị trầy do cọ xát. Sự lành thường sẽ xảy ra nhanh nhờ sự tăng sinh nhanh tế bào biểu mô và nguồn cung cấp máu đầy đủ. Còn các tế bào bị tróc vảy thì thoát ra ngoài ở khe nướu.
– Biểu mô bám dính có tính thẩm thấu: Độc tố của vi khuẩn có thể vào sâu mô liên kết, những phản ứng tự nhiên của cơ thể cũng như đáp ứng miễn dịch có thể vô hiệu hoá độc tính. Cơ chế bảo vệ quan trọng là cơ thể có khả năng huy động 1 lượng lớn bạch cầu trung tính đến các đám rối mao mạch sát biểu mô bám dính ở khe nướu làm nhiệm vụ thực bào.
* Dịch nướu: Là 1 chất dịch do viêm, xuất phát từ các tĩnh mạch bị dò rỉ ở khe nướu và biểu mô bám dính. Đó là 1 trong những dấu hiệu đầu tiên của viêm nướu. Dịch nướu được xem có tính cách bảo vệ vì có khả năng đẩy ra ngoài khe nướu các vi khuẩn và vật lạ, trong dịch nướu còn có các Glubulin miễn dịch IgA, IgM và một số enzym góp phần bảo vệ nướu. Ngoài ra bạch cầu có thể thoát vào khe nướu ở đó chúng phát huy chức năng kháng khuẩn.
2. DÂY CHẰNG NHA CHU
2.1. Định nghĩa và giới hạn
Là một cấu trúc mô liên kết có nhiều tế bào, nhiều sợi nằm giữa bề mặt chân răng và xương ổ chính danh, nối xê măng chân răng vào xương ổ. Ở đỉnh xương ổ nó liên tục với mô liên kết của nướu dính.
Dây chằng nha chu chiếm một khoảng rất hẹp nằm giữa bề mặt xê măng và xương ổ răng, chiều rộng thay đổi từ 0,1 đến 0,25mm tuỳ theo tuổi, giai đoạn mọc răng và những đặc điểm chức năng của răng.
Trên phim x quang thể hiện bằng đường thấu quang bao quang bề mặt chân răng, khoảng này được gọi là khoảng nha chu hoặc khe khớp.
2.2. Cấu tạo: Gồm
– Các sợi mô liên kết: Sợi chính là những sợi Collagen chiếm đa số xếp thành từng bó, ngoài ra còn có sợi Oxytalan (sợi kháng a xít) và sợi thun (sợi collagen và sợi oxytalan chiếm từ 53 – 74%). Có 4 nhóm sợi chính:
. Nhóm đỉnh xương ổ (nhóm mào xương ổ)
. Nhóm ngang: Những bó sợi thẳng góc với trục chính của răng
. Nhóm nghiêng (chiếm đại đa số): Là chỗ tựa chính của răng.
. Nhóm chóp gốc răng: Nhóm này toả ra như hình nan quạt.
– Các tế bào: Nguyên bào sợi, tế bào nội mô, tế bào tạo xê măng, tạo cốt bào, đại thực bào và tế bào biểu mô Malassez còn sót lại.
– Các mạch máu, mạch bạch huyết chiếm từ 1 đến 2%, phần còn lại là dây thần kinh.
– Chất căn bản.
2.3. Sinh lý
Những tế bào sợi tổng hợp ra chất collagen từ những phân tử tiền collagen. Chất tiền collagen được đưa vào trong tế bào dưới hình thức những hạt xuất tiết dài. Sau đó khi phóng thích ra khỏi tế bào những phân tử này biến đổi trở thành những sợi collagen
Tế bào của dây chằng nha chu như tế bào sợi vừa có khả năng tổng hợp ra sợi collagen từ những phần tử tiền collagen lại có khả năng thực bào sợi collagen già, phân giã chúng bằng những enzym thuỷ phân. Như vậy các tế bào sợi có chức năng biến đổi và điều tiết collagen.
Những tế bào biểu mô tạo thành một màng lưới ở màng nha chu dưới hình thức nhóm nhỏ những tế bào hoặc những băng bện lại với nhau, chúng có liên hệ với các tế bào ở biểu mô bám dính. Tế bào biểu mô được phân bố đều ở sát với lớp xê măng, chúng dày hơn ở vùng chóp gốc và vùng cổ răng. Số lượng của tế bào giảm theo tuổi do bị thoái hoá, biến mất hoặc bị vôi hoá để trở thành những hạt men nhỏ, những hạt men này có thể dính hoặc tách rời ra khỏi bề mặt gốc răng. Những tế bào biểu mô cặn bã cũng có thể tăng sinh khi bị kích thích tạo thành những nang quanh chóp hoặc những nang bên của gốc răng.
2.4. Chức năng
2.4.1. Chức năng vật lý
* Neo giữ răng trong xương ổ:
Các bó sợi collagen đảm nhiệm chức năng neo giữ răng trong xương ổ. Từ xê măng đến xương ổ, các bó sợi collagen có đường đi khúc khuỷu sao cho răng được giữ trong xương ổ một cách uyển chuyển. Hướng đi khác nhau và đa dạng của các nhóm sợi ngược với hướng của các lực tác đông trên răng, làm cho răng có thể thích nghi với lực ép, lực kéo, lực xoắn trong các hoạt động sinh lý .
* Điều hoà vi vận động của răng
Việc điều hoà vi vận động của răng phụ thuộc vào sự toàn vẹn của mô nha chu. Điều này được thực hiện nhờ sự tái cấu trúc liên tục của xương ổ và xê măng, quá trình chuyển đổi collagen. Ngoài ra, biên độ của vi vận động răng được điều tiết nhờ sự di chuyển của chất dịch trong dây chằng nha chu, do đó làm giảm bớt các xung lực đặt lên răng.
Khi lực căng và ép có cường độ tương hợp với chuyển hoá và trong giới hạn thích nghi của tế bào, dây chằng nha chu giữ vững được kích thước và cấu trúc của nó. Nếu thời gian hay cường độ của lực vượt quá khả năng chuyển hoá và thích ứng của tế bào, ở vùng giữa dây chằng nha chu hình thành một vùng trong suốt. Ở đó các tế bào bị huỷ hoại cấu trúc, các mảnh vụn sau đó bị các tế bào bảo vệ, đại thực bào xâm nhập và tiêu huỷ. Khi các tác nhân gây ra được loai bỏ, mạch máu thay đổi và cấu trúc mới của mô được thành lập. Ngược lại nếu tác nhân không được loại bỏ, vùng hoại tử xuất hiện và dẫn đến sự thương tổn của mô không hồi phục được.
* Hấp thu lực va chạm
* Truyền lực nhai đến xương ổ răng
* Làm vỏ bọc che chở các mạch máu và dây thần kinh khỏi bị chấn thương bởi lực cơ học.
* Mối quan hệ chức năng và cấu trúc của màng nha chu: màng nha chu có chức năng làm giá chống đỡ cho răng dưới tác động của lực nhai. Mặt khác lực nhai là yếu tố kích thích cho màng nha chu nhằm bảo vệ cấu trúc của nó. Trong những giới hạn sinh lý màng nha chu có thể thích nghi với lực nhai mạnh bằng cách có sự mở rộng màng nha chu, các dây chằng dày lên, số lượng sợi Sharpey gia tăng. Nếu lực cắn nhai vượt quá mức chịu đựng, lực không gây kích thích mà lại gây thương tổn cho màng nha chu. Nếu lực giảm hoặc không có lực, màng nha chu bị teo lại, mỏng đi, mật độ các dây chằng cũng giảm và mất phương hướng. Ở trong bệnh nha chu, xương ổ bị tiêu hủy và do đó màng nha chu cũng bị phá hủy từng phần. Mô nâng đỡ răng ít hơn nhưng lại phải làm việc nhiều hơn cho nên lực nhai trước đây bình thường bây giờ cũng có thể gây hại cho màng nha chu.
2.4.2. Chức năng cơ quan di truyền
Màng nha chu giữ vai trò là màng xương cho xê măng và xương ổ răng. Những tế bào màng nha chu tham gia vào quá trình tạo và tiêu huỷ xê măng và xương ổ răng.
. Cũng như những mô khác màng nha chu liên tục biến đổi: tế bào già bị phân giã và được thay thế bởi tế bào mới. Hoạt động phân bào mạnh ở nơi có các tế bào sợi và tế bào nội mô. Những tế bào sợi sản xuất ra sợi collagen cũng có thể biến đổi thành tế bào tạo xương hoặc tế bào tạo xê măng.
2.4.3. Chức năng dinh dưỡng và cảm giác
* Chức năng dinh dưỡng: Màng nha chu nuôi lớp xê măng, xương ổ răng, nướu răng bằng các mạch máu làm dẫn lưu hệ bạch huyết.
* Chức năng thần kinh: Các kích thích của cảm giác, cảm thụ bản thể và hoạt động của sợi thần kinh ở dây chằng nha chu được chuyển đến các cấu trúc của thần kinh sinh ba. Các thần kinh của dây chằng nha chu rất nhạy cảm với những thay đổi, kính thích. Qua hoạt động của dây thần kinh răng có thể cảm nhận một cách tinh tế: những thay đổi nhỏ về lực và áp lực về các quan hệ mặt nhai của hai hàm.
3. MEN GỐC RĂNG (XÊ MĂNG)
3.1. Định nghĩa
Là do mô liên kết khoáng hoá tạo thành lớp màng bao bọc mặt ngà chân răng.
3.2. Đặc điểm chung
– Xê măng là thành phần khoáng hoá thấp nhất so với ngà và men răng nhưng vẫn cao hơn xương
– Có tính thẩm thấu nên các chất lỏng xâm nhập được
– Xê măng cấu tạo gồm 2 thành phần: Sợi và muối khoáng
Muối khoáng : gồm Ca, P và 1 ít Mg
¬- Nồng độ Fluor của xê măng cao hơn so với men răng và các mô cứng khác.
– Xê măng không có thần kinh và mạch máu.
– Bình thường xê măng chỉ bao bọc ngà chân răng, nhưng trong một số trường hợp còn bao phủ men răng nên xê măng được phân loại :Xê măng chân răng và xê măng thân răng
– Quan hệ giữa xê măng và mên răng có 3 cách:
. Không tiếp xúc với men răng: từ 5 – 10%
. Tiếp xúc nhưng không chồng lên nhau: khoảng 30%
. Xê măng chồm lên men răng: 60-65%, trường hợp này rất khó khăn trong việc làm láng gốc răng.
Chức năng: Là chỗ bám cho các dây chằng nha chu nối răng vào xương ổ.
3.3. Đặc điểm mô học
* Các tế bào tạo Xê măng (cementoplast)
Có 3 loại tế bào tạo xê măng.
– Nguyên bào xê măng
– Xê măng bào.
– Nguyên bào sợi.
Cả ba loại này đều có nguồn gốc từ tế bào ngoại trung mô.
* Các loại xê măng: Dựa vào sự có hoặc không tế bào hoặc sợi để chia các loại xê măng khác nhau
+ Xê măng loại không sợi không có tế bào là loại có ít: Nó không có xê măng bào và không có sợi collagen.
+ Xê măng sợi ngoại sinh không có tế bào ( xê măng nguyên phát).
Loại này nằm ở vùng cổ răng và vùng giữa chân răng. Phủ trực tiếp lên bề mặt ngoài của ngà trên tất cả các răng. Đặc biệt chân của các răng cửa.
Lớp xê măng này mỏng và trong suốt ngăn cách rõ rệt với ngà răng, gồm nhiều lớp song song với nhau và với bề mặt gốc răng. Điều đó chứng tỏ xê măng được bồi đắp theo chu kỳ, rất chậm nhưng kéo dài cả đời người.
+ Xê măng sợi hỗn hợp có tế bào: Chứa xê măng bào và cả hai loại sợi ngoại sinh sharpey, nội sinh collagen. Chúng là sản phẩm chính của nguyên bào xê măng và duy trì tạo xê măng của xê măng bào.
Nằm ở chóp gốc răng, 1/2 chân răng phía dưới và vùng chia chân răng. Khác với xê măng loại không tế bào, loại có tế bào gồm có các tế bào tạo xê măng lẫn vào trong xê măng sau khi hoàn thành tạo ra nó.
Xê măng loại có tế bào cũng được hình thành từng lớp một, nhưng độ khoáng hoá ở các lớp có thể khác nhau. Sự khoáng hoá của xê măng sợi hỗn hợp nhanh hơn xê măng sợi ngoại sinh không có tế bào.
+ Xê măng sợi nội sinh có tế bào: Là sản phẩm đặc hiệu của nguyên bào xê măng. Nó gồm có xê măng bào và các sợi collagen nội sinh không có collagen ngoại sinh. Được tạo thành trong quá trình hàn gắn như: mòn ngót, sửa chữa các nứt gãy chân răng sau chấn thương.
* Sợi Sharpey
Là phần sợi chính ở hai đầu dính chặt vào xê măng hoặc xương ổ răng. Sợi Sharpey là phần khoáng hoá của sợi chính nằm bên trong xê măng hoặc xương.
Sự khoáng hoá của sợi Sharpey như sau: ngay từ lúc lớp xê măng đầu tiên được thành lập thì đã có những sợi chính bị mắc kẹt vào đấy. Dần dần, có nhiều sợi chính bị mắc kẹt hơn do hoạt động của các tế bào tạo xê măng. Các tế bào này sản xuất ra những sợi collagen làm thành một hệ thống bao quanh các sợi chính. Tất cả đều nằm trong một chất căn bản là proteoglycan cũng do các tế bào tạo xê măng tổng hợp ra.
3.4. Sinh lý
Xê măng không có quá trình tái tạo chỉ có sự bồi đắp, sự bồi đắp xê măng xẩy ra liên tục suốt đời sau khi răng đã mọc chạm răng đối kháng trừ khi có bệnh lý. Trường hợp này góp phần cho quá trình mọc răng liên tục để bù lại sự mất chất của men răng do mòn vì lực nhai. Qua quá trình mọc răng phần chân răng nằm trong xương ổ giảm dần, do đó làm suy yếu sự giữ vững của chân răng. Để bù đắp hiện tượng này xê măng ở gốc răng có sự bồi đắp liên tục ở bề mặt gốc, phần lớn là ở vùng chóp răng hoặc vùng chia của răng nhiều chân. Người ta cho rằng sự hư hại hoặc rối loạn trong việc thành lập xê măng là 1 trong những nguyên nhân gây ra túi nha chu và nó không còn giới hạn được sự di chuyển của biểu mô bám dính về phía chóp răng (các nguyên nhân tại chỗ như cao răng, sang chấn, nhồi nhét thức ăn, vệ sinh răng miệng kém, lao, thiếu Vitamin A, D)
Sự bồi đắp xê măng ở từng vị trí có liên quan đến tuổi như tuổi càng lớn sự bồi đắp xê măng ở vùng cổ chậm lại trong lúc ấy sự bồi đắp xê măng ở chóp gốc lại tăng lên nhờ thế mà răng mọc, tốc độ bồi đắp chậm lại ở tuổi già.
4. XƯƠNG Ổ RĂNG
4.1. Định nghĩa
* Xương ổ răng là phần của xương hàm trên hoặc hàm dưới được dùng làm chỗ tựa cho răng.
– Xương ổ răng( xương ổ chính danh : bản xương trong) chỉ gồm một vách xương mỏng đặc bao cứng chung quanh gốc răng, có nhiều lỗ thủng để cho mạch máu, thần kinh chui qua và là nơi bám của các sợi Sharpey
– Trên phim tia X, xương ổ răng là một đường cản quang liên tục còn gọi là phiến cứng hay lamina dura.
* Xương nâng đỡ ( xương vỏ: bản xương ngoài) là phần xương bao quanh xương ổ, giới hạn bởi 2 vách xương: một ở mặt ngoài phía hành lang, một ở mặt trong phía lưỡi hoặc khẩu cái được màng xương che phủ. Giữa 2 vách xương đó là phần xương xốp.
* Mào xương ổ: Nơi xương ổ răng hợp nhất với xương nâng đỡ gọi là mào xương ổ. Trong điều kiện bình thường thì giới hạn dưới của men răng nơi cổ răng và mào xương ổ giữ một khoảng cách không thay đổi là 3 mm. Khoảng cách này dài hơn 3 mm khi tuổi lớn.
* Xương ở kẽ răng là phần xương nằm giữa hai huyệt răng kế cận. Phần xương này thay đổi về hình dáng tùy theo sự sắp xếp của răng trên cung hàm.
* Xương giữa các chân răng: là phần xương nằm giữa các chân răng ở răng nhiều chân
Hình 4: Xương ổ răng
4.2 .Chức năng của xương ổ răng
* Nâng đỡ nướu và răng: nhờ hệ thống lưới sợi trong xương ổ.
* Giảm bớt các áp lực cắn ngay trên răng nhờ phiến cứng có lỗ cho dịch và mạch máu đi qua. Dịch qua lại có chức năng giảm bớt áp lực nhờ vậy xương ổ thích nghi được với những đòi hỏi về chức năng của răng.
* Giữ cho răng được vững chắc, sự vững chắc này phụ thuộc vào chiều cao của xương ổ răng. Xương ổ răng tồn tại cùng với răng, nếu răng bị nhổ hoặc không có răng, xương ổ răng sẽ bị tiêu.
4.3 Đặc điểm giải phẫu học
* Nhìn ở phía mặt nhai đỉnh xương ổ và mào xương ổ có đường viền gợn sóng. Đi theo đường đi của đường nối men xê măng ở mặt ngoài và mặt trong, cách đường này 1-2mm về phía chóp.
* Nhìn từ mặt ngoài hoặc trong, mào xương ổ có dạng vỏ sò, nhìn thấy rõ mặt ngoài lớn hơn mặt trong và răng trước lớn hơn răng sau.
* Sự bền vững của xương tùy thuộc vào khối lượng của phần xương xốp. Thường thì phần xương xốp dầy hơn ở mặt trong và mỏng đi hoặc không có ở mặt ngoài.
Ngoài những đặc điểm về giải phẫu học còn có ở những trường hợp sau:
– Răng mọc sai chỗ. Thí dụ: Răng nhô ra khỏi cung hàm, xương ổ sẽ mỏng đi ở chỗ nhô ra và dầy lên ở phía ngược lại.
– Lồi lõm ở gốc răng làm thay đổi hình dáng của bờ xương.
– Như trên đã nêu mào xương giữ một khoảng cách không thay đổi là 3mm so với bờ men răng. Như vậy có nghĩa là bờ xương ổ luôn giữ một khoảng cách không thay đổi so với đường cổ răng. Vì vậy, nướu hay xương ổ vùng kẽ răng ngang phẳng ở những răng sau chứ không nhọn như gai nướu ở những răng cửa.
4.4. Đặc điểm về cấu tạo
* Xương là 1 trung mô có độ biệt hoá cao, có 2 thành phần : vô cơ và hữu cơ
– Hữu cơ: 22- 33% gồm sợi collagen 90% và chất rắn vô định hình
– Vô cơ: 67- 70% gồm Can xi phosphate dưới dạng Hydroxyt apatite 60% và Can xi phosphate không định hình 40%.
– Nước: 8%
* Tế bào: có 3 loại: Nguyên bào tạo xương (Osteoblaste)
Cốt bào (ostecyte)
Huỷ cốt bào (osteoclaste)
Ngoài ra còn có 1 số tế bào trung mô chưa biệt hoá.
. Cốt bào cũng xuất phát từ nguyên bào xương vừa có khả năng tiêu xương vừa tạo xương.
. Hủy cốt bào là tế bào chỉ có khả năng tiêu xương
Ngoài ra cũng có 1 số tế bào tham gia vào sự tiêu xương: đại thực bào, cốt bào xuất phát từ tế bào máu.
Cả 3 tế bào giống nhau về số lượng và hoạt động được điều hoà bởi:
. Các chất gây tiêu xương.
. Các chất hoạt hoá hủy cốt bào.
. Các chất làm lắng đọng xương.
* Sợi:
– Sợi Sharpey: là phần khoáng hoá của dây chằng nha chu trong xương ổ răng.
– Sợi Oxylatan: là 1 thầnh phần của sợi DCNC và đi theo hướng của sợi Collagen, có nhiều ở xê măng gốc răng hơn so với xương ổ răng.
4.5. Sinh lý
Đó là sự ổn định, khả năng điều chỉnh và thích nghi của xương ổ
Xương ổ răng kém bền hơn các mô khác trong hệ thống nha chu. Cấu trúc của nó luôn được điều chỉnh. Sự vững ổn xương ổ răng về mặt sinh lý được cân bằng rất nhạy giữa sự tạo xương và tiêu xương.
Trong những điều kiện sinh lý bình thường, các răng có khuynh hướng di gần đến điểm giữa cung hàm. Hiện tượng này được gọi là “di gần sinh lý”, diễn ra suốt đời và tạo ra một áp lực nhẹ trên xương ổ, làm cho vách xương ổ ở phía gần của răng bi tiêu mòn. Đồng thời, có sự tạo xương mới nơi vách xương ổ ở phía xa của răng. Sự tạo xương mới này là do lực kéo của những dây chằng nha chu ở mặt xa. Đặc biệt xương mới thành lập thuộc loại xương bó vì có sự hiện điện của các sợi Sharpey.
Không phải chỉ có di gần, răng còn khuynh hướng trồi lên. Răng trồi lên để bù trừ vào phần răng bị mòn do ăn nhai (kích thước dọc không thay đổi). Sự trồi lên liên tục suốt đời này cũng ảnh hưởng đến xương ổ, gây tạo xương ở đáy và ở mào xương. Những thay đổi bệnh lý sẽ xảy ra nếu xương ổ mất đi khá năng thích nghi và tự điều chỉnh…
Xương cũng thay đổi thích nghi với yêu cầu về chức năng. Xương bị tiêu hủy nếu yêu cầu giảm (thí dụ răng không làm việc. không nhai) xương được tăng cường nếu chức năng đòi hỏi, tuy nhiên nếu đòi hỏi quá mức ngưỡng cho phép sẽ làm loãng xương.
Xương ổ răng là nguồn dự trữ canxi cho cơ thể, do đó nó cũng tham gia vào sự cân bằng canxi trong máu vì thế xương ổ răng cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố toàn thân và nội tiết
4.6. Tuần hoàn ở xương ổ
Máu nuôi dưỡng xương xuất phát từ các nhánh của động mạch ổ răng
. Hàm trên động mạch ổ răng trước và răng sau phân nhánh từ động mạch hàmg trên
. Hàm dưới từ động mạch ổ răng dưới.
Nguồn cung cấp máu là từ các mạch máu xuyên qua mào xương ổ kẽ răng. Các nhánh của mạch máu cũng xuất phát từ tủy xương đặc biệt là đi qua các lỗ li ti của laminadua để đi vào vùng dây chằng nha chu.
4.7. Cứng khớp răng (ankylosis)
Hiện tượng cứng khớp xảy ra khi dây chằng nha chu bi tiêu huỷ và gốc răng sẽ gắn dính vào xương ổ răng. Trường hợp dây chằng nha chu còn tốt có khả năng tạo xê măng mới hoặc tạo xương mới hoặc làm tiêu hủy xê măng để tránh hiện tượng cứng khớp.
Cứng khớp xảy ra khi có sự dính liền nhau của gốc răng vào với xương ổ.