Những “thủ phạm” tiềm ẩn
Sai lầm ngay từ đầu – làm răng sứ không đúng chỉ định: Không phải ai cũng nên làm răng sứ. Răng khỏe mạnh hay các vấn đề về lệch lạc, hô, móm không phải lúc nào cũng cần đến giải pháp này. Làm răng sứ không đúng chỉ định có thể gây lãng phí, đau nhức, rối loạn khớp thái dương hàm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
Thứ hai là tay nghề bác sĩ – nhân tố quan trọng trong điều trị: Bác sĩ thiếu kinh nghiệm có thể mài răng quá mức, chế tác răng sứ không chuẩn, hoặc gắn răng không chính xác. Hậu quả là răng sứ không khít sát, tạo điều kiện cho thức ăn tích tụ, khó vệ sinh, dẫn đến viêm nhiễm.
Thứ ba chính là chất lượng răng sứ: Răng sứ kém chất lượng có bề mặt nhám, dễ bám vi khuẩn, trong khi răng sứ cao cấp có bề mặt mịn, hạn chế tối đa sự xâm nhập của vi khuẩn.
Thứ tư là cơ địa – một yếu tố khó kiểm soát: Một số người có cơ địa dễ mắc bệnh nha chu, do đó nguy cơ viêm nhiễm cao hơn, ngay cả khi răng sứ được làm tốt. Do đó, khám răng định kỳ 6 tháng/lần là rất quan trọng để phát hiện sớm các vấn đề.
Cuối cùng là thực hiện cầu răng sứ quá dài: Cầu răng sứ dài sẽ khiến bệnh nhân khó làm sạch răng, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Những dấu hiệu cho biết răng sứ đang gặp vấn đề
Đau nhức: Đau âm ỉ, nhói, hay dữ dội ở vùng răng sứ hoặc nướu là dấu hiệu rõ ràng nhất. Đừng chủ quan, hãy đi khám ngay!
Nướu sưng đỏ, chảy máu: Nướu quanh răng sứ sưng đỏ, chảy máu khi vệ sinh là dấu hiệu viêm nhiễm đang diễn ra.
Hơi thở có mùi: Viêm nhiễm khiến vi khuẩn tích tụ, gây hôi miệng khó chịu.
Răng sứ lung lay: Răng sứ lỏng lẻo cho thấy tổn thương ở mô nướu hoặc xương xung quanh.
Tăng nhạy cảm: Răng và nướu nhạy cảm với đồ ăn nóng lạnh cũng là dấu hiệu đáng lo ngại.
Nếu có những dấu hiệu trên hoặc có bất kỳ bất thường nào, bạn nên đến bệnh viện thăm khám ngay để điều trị kịp thời.
(Theo Sức khỏe và đời sống)